Viện Tâm lý học tổ chức Tọa đàm khoa học: Kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam và Nhật Bản

05/03/2024

(Tamly) - Sáng ngày 05 tháng 3 năm 2024, tại phòng họp tầng 3, Viện Tâm lý học tổ chức tọa đàm khoa học “Kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam và Nhật Bản”.

Tham dự buổi tọa đàm có, GS. Ota, GS. Hayashata đến từ Nhật Bản, bà Rumiko - tùy viên văn hóa Sứ quán Nhật Bản, PGS.TS Lê Ngọc Văn, PGS.TS Đặng Thị Hoa – Viện Trưởng Viện Tâm lý học; TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học; PGS. TS Lê Văn Hảo cùng toàn thể các anh chị em nghiên cứu viên, cán bộ đang công tác tại Viện Tâm lý học.

Mở đầu tọa đàm, PGS.TS Đặng Thị Hoa trình bày tham luận: Thực trạng và chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam. Tham luận mô tả một cách khái quát tỉ lệ người cao tuổi, các đơn vị được cấp phép chăm sóc người cao tuổi (trung tâm, viện dưỡng lão công lập và tư lập) và chính sách của Nhà nước Việt Nam hiện có đối với người cao tuổi, đưa ra một số khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp, kiến nghị trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ngoài ra, bài tham luận còn đề cập đến mô hình câu lạc bộ liên thế hệ - một sáng kiến được giải nhất Vì một Châu Á già hóa khỏe mạnh.

PGS.TS Đặng Thị Hoa trình bày tham luận

 

 

 

 

Tiếp theo, PGS.TS Lê Văn Hảo trình bày tham luận: Hiếu thảo và hạnh phúc gia đình tại Việt Nam. Tiếp nối nội dung của tham luận trước, PGS.TS Lê Văn Hảo trình bày mô hình sắp xếp nơi ở của người cao tuổi tại Việt Nam. Họ sống với con ngày càng giảm từ năm 1992 – 2017. Hiếu thảo tương hỗ trong mô hình “trẻ nuôi con, già chăm cháu” – một mô hình tương hỗ hữu ích nhưng cũng mang nhiều gánh nặng. Cả hai yếu tố hiếu thảo tương hỗ, hiếu thảo áp đặt (nghĩa vụ) đều tồn tại song song trong văn hóa Việt Nam và hiếu thảo tương hỗ nổi trội hơn, cao hơn. Điều này tốt cho cả hai thế hệ. Hai yếu tố này cũng đều tương quan thuận với hạnh phúc, sức khỏe tâm thần của người già và người trẻ.

PGS.TS Lê Văn Hảo trình bày tham luận

Sau đó, giáo sư Ota trình bày tham luận về Thực trạng người cao tuổi tại Nhật Bản. Giáo sư cho biết hiện nay có nhiều trung tâm chăm sóc cộng đồng tại Nhật Bản nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Đặc trưng của Nhật Bản là phụ thuộc vào bệnh viện. Kinh tế phát triển nên có những bệnh viện đặc thù nhưng lại xa nơi người già sống (bán trú). Hiện tại, Nhật Bản có số lượng người già lớn nhất thế giới, hơn 100 nghìn người trên 100 tuổi; nhiều bệnh về suy giảm trí nhớ; chi phí cho việc chăm sóc người già ngày càng tăng. Cần làm gì cho người già đang là những vấn đề chưa được nghiên cứu nhiều.

GS. Ota trình bày tham luận

Tham luận do GS. Toshihisa Hayashata "Tổng quan về người cao tuổi tại Nhật Bản" cho thấy già hóa tại Nhật Bản tăng trưởng nhanh, điều đó tạo ra gánh nặng xã hội như thiếu nhân lực chăm sóc người già... Trong vòng 40 năm qua, Nhật Bản đã thay đổi chính sách phúc lợi xã hội cho người già, có chế độ phúc lợi tốt, có nhiều cấp độ chăm sóc như chăm sóc tại nhà; chăm sóc theo ngày, tới sống ở trung tâm chăm sóc...

Trong phần thảo luận, PGS. TS Lê Ngọc Văn đã nêu một vài ý kiến đóng góp như cần quan tâm hơn đến người chăm sóc người già, vai trò của người già trong cộng đồng...

Buổi tọa đàm kết thúc lúc 11h30 phút cùng ngày.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Lê Thúy