(Tamly) - Một trong những chứng bệnh tâm lý ở đối tượng trẻ em rất được quan tâm gần đây chính là chứng tự kỷ. Đây là chứng bệnh liên quan đến chứng rối nhiễu phát triển tâm lý, khiến cho trẻ có những dấu hiệu bất thường trong các mối quan hệ xã hội, sống khép mình trong một môi trường riêng của trẻ. Sợi dây liên hệ với xã hội bên ngoài dường như rất mong manh. Vì thế, đối với cha mẹ có con có chứng bệnh này thì việc nuôi dạy trẻ là một thách thức và có nhiều khó khăn.
Dưới đây là một số khó khăn mà cha mẹ gặp phải trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ tự kỷ:
- Cha mẹ gặp khó khăn trong việc nhận thức và hiểu đúng về chứng tự kỉ ở trẻ và cách trị liệu. Với thời đại này, bất cứ điều gì cần thiết chúng ta đều sử dụng một công cụ rất hiệu quả, một sản phẩm của khoa học công nghệ phát triển: google. Song, giữa vô vàn thông tin như vậy, cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn về việc tìm đúng những thông tin liên quan đến tự kỉ và cách trị liệu tự kỉ. Có những cha mẹ, kể cả những cha mẹ trí thức, sử dụng google như một cách duy nhất để tìm hiểu và trị liệu cho trẻ tự kỉ. Nhiều cha mẹ không nghĩ rằng con bị tự kỉ mà nhầm lẫn với các bệnh chậm phát triển khác. Các cha mẹ thậm chí còn thử nghiệm những điều họ học được trên internet để áp dụng vào con mình, mà không cần biết con có hợp tác hay không. Chính cha mẹ tự làm mình khó khăn, mà không hề biết, sách vở, tài liệu chỉ mang tính tham khảo chứ không có giá trị thực hành.
- Cha mẹ gặp khó khăn trong việc hiểu đúng về khả năng của trẻ và yêu cầu đối với trẻ. Đây là một trong những khó khăn lớn, gây trở ngại đến việc trị liệu của trẻ. Hầu hết cha mẹ đều hiểu chưa đúng về khả năng của trẻ cũng như các yêu cầu đối với trẻ tự kỉ. Hoặc do khả năng nhận biết của trẻ kém, nhiều cha mẹ lựa chọn làm hộ trẻ mà không để trẻ tự làm. Những tác động này gây ảnh hưởng đến hành vi, thói quen của trẻ. Dựa theo thói quen này, trẻ sẽ chây ì và đòi giúp đỡ ở nhiều việc khác. Điều này khiến cha mẹ rất mệt mỏi để chiều theo trẻ.
- Cha mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ tại gia đình. Nhiều cha mẹ đã chia sẻ những khó khăn ấy như việc cho trẻ ăn, có trẻ không ăn được nhưng không biết nhè ra mà cha mẹ phải thò tay vào miệng để lấy ra, hay như việc trẻ tự tìm chỗ đi vệ sinh khiến dây ra khắp nhà, trẻ có lịch sinh hoạt bất biến, trẻ có những hành vi, lời nói khó hiểu, gây nguy hiểm đến bản thân và những người xung quanh, nhiều trẻ tự kỉ kèm theo một số các rối loạn khác như đái dắt, rối loạn tiêu hóa… Ngày qua ngày, cha mẹ đều phải chứng kiến trẻ dần “lụi tàn” đi vì bệnh tật, mệt mỏi vì vừa phải chăm sóc, vừa phải trông chừng con. Cảm giác bế tắc, mệt mỏi, lo sợ luôn chiếm trọn suy nghĩ của cha mẹ và những người thân trong gia đình.
- Cha mẹ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề chọn trường học phù hợp cho trẻ. Hiện nay, trong các cấp học của hệ thống giáo dục Việt Nam chưa có các trường dành riêng cho trẻ tự kỷ, đặc biệt là trường học ở cấp tiểu học. Vì vậy, cha mẹ vẫn cần cho con đến các trường bình thường để hòa nhập và học tập. Thế nhưng, có một số trường hợp nhất định, trẻ không thể đến các trường lớp bình thường để học. Nhiều khi, cha mẹ không nắm rõ tình trạng bệnh của con cũng như không nắm rõ về tình trạng trường lớp… nên vẫn cho con đến trường học bình thường. Điều này khiến con không những không được can thiệp sớm mà còn dẫn đến tình trạng bệnh tăng lên.
- Cha mẹ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các dịch vụ can thiệp cho trẻ tự kỉ. Hiện nay, dịch vụ can thiệp cho trẻ tự kỉ chưa phát triển, thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm, được học tập, đào tạo bài bản, có đạo đức nghề, thiếu cơ sở y tế tư vấn được cho cha mẹ các dịch vụ phù hợp, thiếu cả các trường học dành riêng cho trẻ tự kỉ. Vì vậy, cha mẹ trẻ tự kỉ thường phải tự tìm kiếm, thử nghiệm, tìm theo người quen… Điều này khiến cha mẹ rất mất thời gian và có khi khiến tình trạng trẻ trở nên xấu đi nếu áp dụng quá nhiều cách trị liệu không phù hợp.
Nguyễn Thị Thanh Huyền