Một số tình huống khó khăn của cha mẹ với trẻ tự kỷ

11/05/2018

(Tamly)-Một trong những mục tiêu lâu dài ở mỗi gia đình có trẻ tự kỷ là giúp trẻ có cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế, cha mẹ gặp rất nhiều tình huống khó khăn khi hỗ trợ trẻ. Đó là những khó khăn nào, và trong mỗi tình huống đó, cha mẹ phải làm sao để có thể hỗ trợ trẻ một cách tối đa.

1. Tình huống khó khăn của cha mẹ khi giao tiếp với trẻ tự kỉ

Trẻ tự kỉ có xu hướng khép mình, tự tạo ra môi trường cho mình và có nhu cầu hoạt động, vui chơi trong môi trường riêng, ít có sự tương tác với bên ngoài, kể cả là môi trường gia đình. Nếu trẻ cần một đồ vật, hay một nhu cầu nào đó, trẻ có thể tự lấy hoặc lúc đó mới nhờ đến người lớn bằng các cách như nhìn chằm chằm vào đồ muốn lấy hoặc dắt tay người lớn đến đó. Trẻ không có sự hứng thú hoặc có hứng thú ít với những gì mới lạ, không có quá nhiều thứ khiến trẻ cảm thấy yêu thích. Trẻ chỉ đặc biệt thích một vài thứ, có trẻ thích một ít đồ chơi, có trẻ thích nghịch cầu trượt, có trẻ thích đọc truyện…và sự yêu thích đấy cứ lặp đi lặp lại mà không có sự thay đổi. Điều này khiến cha mẹ rất khó xác định khả năng cũng như niềm yêu thích của trẻ với đồ vật hay vấn đề nào đó, khiến cha mẹ rất khó khơi gợi, cũng như khó làm trẻ tương tác được với môi trường ngoài, bằng các cách thức khác nhau.

2.Tình huống khó khăn của cha mẹ khi giúp trẻ tự kỉ học tập

Trẻ tự kỷ thường không có nhiều giao tiếp với môi trường ngoài, kể cả khi đi học. Trẻ khó tập trung để tiếp thu lời cô, do vậy, trẻ tự kỉ thường tiến bộ chậm hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều. Trẻ tự kỉ phải mất nhiều thời gian để hoàn thành việc học thuộc một bài, nhưng lại nhanh chóng quên. Điều này khiến cha mẹ gặp khó khăn trong việc hiểu biết được năng lực của con mình theo hướng nào hoặc lĩnh vực gì. Vì vậy, khi dạy trẻ học, cha mẹ cần phải có tính kiên trì, nhẫn nại, tỉ mỉ, cẩn trọng, đồng thời cố gắng quan sát và nắm bắt hướng yêu thích của con để có thể lựa chọn cách dạy phù hợp.

3. Tình huống khó khăn của cha mẹ kết nối trẻ tự kỉ với các mối quan hệ

Mối liên hệ với bên ngoài của trẻ tự kỉ rất ít, vì trẻ chủ yếu co mình trong môi trường riêng tự tạo. Trẻ có mối quan hệ rất mờ nhạt với gia đình, bạn bè. Cha mẹ gặp khó khăn trong việc kéo trẻ tham gia vào hoạt động bên ngoài để có sự gắn kết với xã hội nhiều hơn, bởi sau hoạt động đó, cái họ nhận được vẫn là sự chuyển biến rất ít hoặc không chuyển biến của trẻ.

4. Tình huống khó khăn của cha mẹ trong việc lựa chọn phương pháp nuôi dưỡng phù hợp với trẻ tự kỉ

Trẻ tự kỉ thường không có nhu cầu giao tiếp quá nhiều, cũng không thể tập trung cao độ trong thời gian dài. Vì vậy, việc nuôi dạy trẻ rất khó khăn. Cha mẹ thường rơi vào tình trạng bế tắc trong việc chọn phương pháp nào tốt cho trẻ. Một số gia đình lựa chọn cách trẻ thích làm và họ sẽ tập trung phát triển sự yêu thích đó của trẻ, một số khác có nhu cầu định hướng cho con theo một giai đoạn nào đó. Tuy nhiên, khả năng tiếp thu của trẻ gặp vấn đề rất lớn, vì vậy cha mẹ cần phải tỉ mỉ, lên kế hoạch phương pháp rõ ràng, và phải làm được trong một thời gian dài mới hy vọng trẻ có thể có những chuyển biến tích cực. Cha mẹ gặp khó khăn chủ yếu là do không biết vấn đề này hoặc không có đủ kiên nhẫn với trẻ.

        Mỗi cha mẹ có con có chứng bệnh tự kỉ đều phải đứng trước những thách thức, trước những tình huống khó khăn trong quá trình hỗ trợ con cải thiện tình trạng bệnh. Bản thân họ cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn khác, giúp họ hiểu biết, có cách thức để giúp con nhiều hơn.

Nguyễn Thị Thanh Huyền