(Tamly)- Uống rượu ở mức độ vừa phải có hại hơn người ta tưởng và không có mức độ tiêu thụ rượu nào là “an toàn”.
Nghiên cứu mang tính chất toàn diện này phân tích thông tin có được từ hàng triệu người ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện ra rằng rượu có mối liên hệ với gần 3 triệu người chết mỗi năm trên toàn cầu. 1/10 các ca tử vọng đó có liên quan đến sử dụng rượu ở những người tuổi 15-49. Ngoài ra, bất cứ các tác động có lợi nào của rượu cũng đều bị “đưa về số mo” bởi các nguy cơ bị ung thư và chấn thương, ví dụ từ tai nạn giao thông.
"Quan điểm phổ biến về lợi ích sức khỏe của rượu cồn cần được xem xét lại”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo khoa học, xuất bản Online ngày 23/8/2018 trên Tạp chí The Lancet. "Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng mức độ an toàn nhất của việc uống rượu là không uống chút nào". Phát hiện này trái ngược với phần lớn các chỉ dẫn về sức khỏe, theo đó, uống vừa phải (moderate drinking) - khoảng 1 đơn vị uống mỗi ngày với phụ nữ và 2 đơn vị uống mỗi ngày với đàn ông – là an toàn. Tuy nhiên, rất khó ước lượng nguy cơ với người uống không thường xuyên – ví dụ, người dùng 1 đơn vị trong mỗi 2 tuần – cho nên kết quả nghiên cứu có thể không ứng nghiệm với nhóm cư dân này. "Điều đó không có nghĩa là nếu bạn uống một chút vào dịp sinh nhật hay Giáng sinh thì bạn sẽ chết” Keith Humphreys, một giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi của Đại học Stanford, người tham gia nghiên cứu, nói. Thay vào đó, các phát hiện áp dụng nhiều hơn với những người uống hơn 1 đơn vị mỗi ngày trong phần lớn các ngày trong tuần – theo GS. Humphreys.
Không có mức độ "an toàn"
Nghiên cứu này cũng phân tích thông tin từ gần 700 công trình trước đây, đánh giá về uống rượu trên toàn thế giới và xem xét gần 600 nghiên cứu khác, với tổng mẫu chọn khoảng 28 triệu người nhằm đánh giá các nguy cơ về sức khỏe có liên quan đến rượu cồn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trên cấp độ toàn thế giới, cứ 3 người thì có gần 1 người (32,5%) uống rượu, tương đương với khoảng 2,4 tỉ người trên trái đất, bao gồm 25% phụ nữ và 39% đàn ông.
Trên toàn thế giới, uống rượu là 1 trong 7 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong sớm trong năm 2016. Cụ thể, nó gây ra khoảng 2% ca tử vong ở phụ nữ và 7% ca tử vong ở đàn ông. Với những người nhóm tuổi 15 - 49, tiêu thụ rượu có liên quan đến 4% ca tử vong ở phụ nữ và 12% ca tử vọng ở đàn ông trong năm 2016.
Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng, uống rượu ở mức độ vừa phải – trên thực tế - là một yếu tố bảo vệ chống lại các bệnh tim mạch. Nhưng lợi ích này không lớn bằng nguy cơ sức khỏe do rượu gây ra. Đặc biệt, những người uống 1 đơn mỗi ngày thì nguy cơ phát triển 1 trong 23 vấn đến sức khỏe liên quan đến rượu sẽ tăng thêm 0,5% mỗi năm, so với người không uống. Còn nếu dùng 2 đơn vị mỗi ngày thì nguy cơ đó tăng thêm 7%, còn nếu 5 đơn vị mỗi ngày – nguy cơ tăng thêm 37%. Tức là càng uống nhiều, nguy cơ càng tăng.
Dựa trên kết quả thu được, các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng các chiến dịch truyền thông về y tế công cộng cần khuyến cáo kiêng rượu, chứ không phải là uống vừa phải.
Kiêng rượu?
Humphreys gọi đây là "một công trình nghiên cứu phức tạp nhất toàn cầu về tác động của rượu đối sức khỏe con người”. "Công trình đã xác nhận rằng rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật, bệnh tật và tử vong trên thế giới”, Humphreys nói.
Tuy nhiên, về việc kêu gọi kiêng rượu, ông nói rằng thúc đẩy thông điệp như vậy là khó, một phần bởi vì có một số lượng rất lớn người đang uống rượu và các ngành công nghiệp cũng đang có rất ảnh hưởng trên thị trường rượu bia. "Tôi không nói rằng, đó là một ý tưởng tồi, mà chỉ có ý rằng đó là một cuộc chiến rất khó khăn " Humphreys nói.
Ngoài việc kiêng rượu, các nhà nghiên cứu còn kêu gọi thay đổi chính sách nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu như tăng thuế, kiểm soát việc bán, nơi bán và giờ bán rượu cũng như quảng cáo rượu.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Bill & Melinda Gates Foundation.
LVH lược dịch từ bài viết của Rachael Rettner trên Live Science.
LVH (lược dịch)