Buông lỏng tay ra bố ơi!

11/08/2017

(Tamly) Có lẽ, nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam vẫn còn nhớ quá trình dạy con tập đi xe đạp. Lúc ban đầu mới bước lên xe để tập, con rất sợ ngã, sợ đau, muốn bố mẹ (hoặc người hướng dẫn tập) luôn luôn giữ thật chặt để đảm bảo an toàn. Những trẻ em mới tập xe thường tin tưởng những người giữ có tay khỏe, chịu khó chạy theo xe, giữ chặt. Được như vậy, các em yên tâm tập đạp xe và nhanh tiến bộ. Trái lại, các em rất sợ nếu người tập cho mình không có khả năng giữ chặt, không chạy kịp theo xe để giữ. Khi đó, các em không yên tâm tập.
Có lẽ, nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam vẫn còn nhớ quá trình dạy con tập đi xe đạp. Lúc ban đầu mới bước lên xe để tập, con rất sợ ngã, sợ đau, muốn bố mẹ (hoặc người hướng dẫn tập) luôn luôn giữ thật chặt để đảm bảo an toàn. Những trẻ em mới tập xe thường tin tưởng những người giữ có tay khỏe, chịu khó chạy theo xe, giữ chặt. Được như vậy, các em yên tâm tập đạp xe và nhanh tiến bộ. Trái lại, các em rất sợ nếu người tập cho mình không có khả năng giữ chặt, không chạy kịp theo xe để giữ. Khi đó, các em không yên tâm tập.

Nhưng dần dần, khi con đã làm quen với việc đạp xe, rồi tăng dần khả năng tự điều khiển xe, thì con muốn được thử thách khả năng của mình bằng cách người tập cho mình giữ lỏng tay dần và thỉnh thoảng buông ra. Khi con đã biết đạp đều chân, giữ thăng bằng xe đạp, con muốn được tự đi, không cần giữ nữa ở những nơi an toàn (đường vắng), nhưng vẫn phải có người hỗ trợ khi cần. Trong trường hợp ngược lại, nếu người dạy các em tập xe không biết điều chỉnh sự giúp đỡ của mình theo sự tiến bộ của các em, sẽ làm các em khó chịu, làm ảnh hưởng không tích cực đến hiệu quả tập xe, đồng thời, người dạy các em cũng rất vất vả vì các em đạp nhanh hơn, xa hơn mà vẫn phải chạy theo.

Liên hệ với quá trình giáo dục con trẻ, tôi thấy diễn biến của nó cũng có xu hướng tương tự như vậy. Khi con còn nhỏ, dại, cha mẹ càng gần gũi con, bế ẵm, chăm nom, “da liền da, thịt liền thịt” con càng có cảm giác an toàn là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tâm lý của con, không những tại thời điểm đó mà còn cả cho tương lai lâu dài của con. Nhưng dần dần, khi con lớn lên, bắt đầu biết tự làm được những việc đơn giản nhất để tự phục vụ bản thân như tự bưng nước uống, xúc cơm ăn, rửa tay, chân… thì con rất thích tự làm. Khi đó, cha mẹ cũng nên tạo cơ hội cho con được làm những việc đơn giản mà con thích, không nên quá lo lắng đến việc giữ vệ sinh, kết quả của những việc làm đó, mà cấm con, thay thế con hoàn toàn. Làm như vậy sẽ mất đi hứng thú được thử sức, được khám phá của con trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển của con về sau.

Con cái của chúng ta càng ngày càng lớn lên về cơ thể thì cũng phát triển về tâm lý. Khi đó, con muốn tách dành cha mẹ để khám phá thế giới mới, ngoài môi trường gia đình. Cha mẹ, hãy nới lỏng dần sự bao bọc, kiểm soát con, để tạo điều kiện cho con giao tiếp với bạn bè, những người xung quanh, để con được trải nghiệm, tập tự giải quyết những tình huống khác, lạ, những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Có như vậy, con mới có cơ hội để khẳng định bản thân, thấy được ý nghĩa cuộc sống của mình. Nếu cha mẹ nào qúa lo lắng, vấn muốn kiểm soát chặt con khi con đã bắt đầu trưởng thành (ở tuổi vị thành niên) thì chắc chắn sẽ gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ - con, con trẻ ấm ức, khó chịu, bị hạn chế sự phát triển, đồng thời cha mẹ cũng phải vất vả. Tuy nhiên, con trẻ ở tuổi vị thành niên “mới có lớn”, muốn được khôn, nhưng “chưa có khôn”, nên cha mẹ chưa thể buông lỏng con hoàn toàn, mà vẫn phải “trông chừng”, để kịp thời hỗ trợ con khi cần thiết.

Tôi rất thú vị khi phát hiện ra mối liên hệ giữa hai quá trình trên. Rất mong các bậc phụ huynh tham khảo và vận dụng. Tôi tin rằng, điều đó chắc chắn sẽ giúp ích phần nào cho việc giáo dục con của các bậc cha mẹ, trái lại, nó không có hại gì cho con trẻ cũng như cho chúng ta.

Rất cám ơn sự quan tâm của các anh/chị.