Viện Tâm lý học - 30 năm xây dựng và phát triển

21/02/2019

Nhìn lại 30 năm xây dựng và phát triển Viện Tâm lý học, tập thể lãnh đạo và cán bộ Viện Tâm lý học càng vững tâm hơn về hướng đi và khả năng thực hiện các trọng trách của mình trong tương lai

Các tên gọi cùng sự phát triển theo thời gian của một đơn vị nghiên cứu độc lập đầu tiên về Tâm lý học ở Việt Nam

21/2/1989: Ban Tâm lý học xã hội (Quyết định do GS.TS. Phạm Như Cương, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ký)

31/12/1989: Trung tâm Tâm lý học xã hội (Quyết định do GS.TS. Nguyễn Duy Quý, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam ký)

22/5/1993: Viện Tâm lý học (Nghị định 23/CP của Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 22/5/1993 về việc thành lập Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia)

Một số thành tựu chính đạt được qua 30 năm xây dựng và phát triển của Viện Tâm lý học

-       Nghiên cứu khoa học: Thực hiện và chủ trì 238 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp gắn với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, nhằm đưa ra những tư vấn về mặt chính sách cho Đảng và Nhà nước, và nghiên cứu cơ bản, nhằm phát triển ngành Tâm lý học còn non trẻ ở Việt Nam với nhiều hướng nghiên cứu khác nhau hội nhập Tâm lý học thế giới

-       Thực hành tâm lý: Thực hiện tham vấn và trị liệu tâm lý cho các cá nhân có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần với hàng năm lượt khách mỗi năm; Phối hợp với các tỏ chức quốc tế tổ chức đào tạo và tập huấn kỹ năng tham vấn và trị liệu.

-       Đào tạo: trong thời gian là một đơn vị đào tạo (1999 – 2010), Viện đã tuyển được 90 nghiên cứu sinh, trong đó đã có 40 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện. Đồng thời, nhiều cán bộ của Viện cũng được đào tạo trình độ bậc cao tại các nước phát triển.

-       Xuất bản phẩm: Từ ngày thành lập đến nay Viện đã xuất bản khoảng 140 đầu sách (cả công trình tập thể, công trình nhóm nghiên cứu và công trình cá nhân), trong đó có 04 sách được xuất bản ở nước ngoài. Tạp chí Tâm lý học chính thức ra mắt bạn đọc từ năm 1996, và đến nay đều đặn xuất bản 12 số/ năm, là một tạp chí chuyên ngành có chất lượng

-       Phát triển chuyên môn: Các cán bộ của Viện trưởng thành về chuyên môn theo năm tháng, cả cán bộ khối nghiên cứu và khối phục vụ nghiên cứu.

-       Thành tích: Viện đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen các cấp và huân chương lao động hạng 3 vì các thành tích đã đạt được về mọi mặt.

Đánh giá thành tích của Viện Tâm lý học, trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm, PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy, Viện trưởng nhấn mạnh: Quá trình xây dựng Viện Tâm lý học là quá trình phát triển về tổ chức - nhân sự, trong đó có sự thống nhất về định hướng giá trị, sự đoàn kết nhất trí trong cơ quan là nền tảng để Viện đạt được thành tích, thực hiện được nhiệm vụ chính trị của mình. Sự phát triển Viện Tâm lý học gắn liền với quá trình phấn đấu liên tục của cán bộ nghiên cứu trong Viện, sự phối hợp thống nhất giữa các bộ phận trong Viện, giữa các Viện trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giữa Viện Tâm lý học với các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học ở Việt Nam, giữa Viện Tâm lý học với các tổ chức quốc tế.

Ba mươi năm đối với một tổ chức là chưa dài, và với nền tảng này, lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Viện Tâm lý học cố gắng  nhiều hơn nữa để Viện ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều công sức hơn nữa cho sự phát triển của ngành Tâm lý học Việt Nam gắn với sự phát triển của đất nước.

Phan Mai Hương

File download: