Thái độ về đánh bắt xa bờ của ngư dân ven biển miền Trung - những biểu hiện qua hành vi (Phần 1) *

04/12/2018

(Tamly) - Từ bao đời nay, theo truyền thống cha truyền con nối, người dân vùng biển dựa vào biển để mưu sinh. Không như những nghề khác, nghề đi biển đòi hỏi ở con người sự can trường, quả cảm, vì mỗi lần đi biển là mỗi lần đặt cược tính mạng mình trên đầu sóng, ngọn gió.

Ngư dân ở Quảng Trị, Khánh Hòa cũng như ở nhiều địa phương ven biển khác từ xưa đến nay vẫn chủ yếu hướng đến đánh bắt gần bờ và trung bờ. Sau sự cố môi trường biển năm 2016, sản lượng thủy hải sản gần bờ dường như cạn kiệt. Người dân buộc phải nghĩ đến ra khơi bám biển, vì thực tế, sinh ra và lớn lên từ biển, nếu không làm nghề này thì họ cũng không biết làm gì khác. Điều này đặt ra bài toán về sự chuyển đổi và thích ứng với việc đánh bắt xa bờ mà trước đó, không nhiều ngư dân ở hai tỉnh này có kinh nghiệm sử dụng tàu, thuyền lớn ra khơi đánh bắt.

Một thực tế nữa diễn ra tại những địa phương này, khi chuyển sang đánh bắt xa bờ, công việc này đòi hỏi cần có nhiều người hỗ trợ trong những lần ra biển, nhưng chủ tàu nơi đây rất khó tìm được thuyền viên. Một số gia đình đã hướng con em đi xuất khẩu lao động sau sự cố môi trường biển hoặc ra thành phố tham gia vào các nghề dịch vụ... Hiểu được những khó khăn, thách thức mà những ngư dân tại những địa phương này phải đối mặt, Nhà nước đã ban hành những chính sách không chỉ đem lại lợi ích kinh tế biển tốt hơn cho đời sống ngư dân mà còn nâng cao vị thế, trách nhiệm xã hội của họ trong việc bảo vệ biển đảo.

Trong nghiên cứu này, hành vi đánh bắt xa bờ được hiểu là những hoạt động, hành động diễn ra liên quan đến việc đánh bắt cá ở vùng khơi xa, thể hiện mối quan hệ liên cá nhân, có động cơ, mục đích của hoạt động. Đồng thời, những hành vi này tuân theo những chuẩn mực, quy tắc của xã hội để bảo đảm con người tồn tại và phát triển trong nhóm cộng đồng, xã hội. Với tình hình thực tế đang diễn ra tại hai địa phương, nghiên cứu này được tiến hành nhằm tìm hiểu hành vi đánh bắt xa bờ của ngư dân nơi đây. Đó là những hành vi gì, biểu hiện ra sao, hành vi nào được ưu tiên, hành vi nào ít được chú ý hơn, qua đó, cho thấy phần nào sự tự hào, trách nhiệm, gắn bó với nghề của ngư dân... Bài viết này phác họa một phần nhỏ về hoạt động ngày đêm ra khơi bám biển của ngư dân Quảng Trị và Khánh Hòa.

Trong nghiên cứu này, phương pháp định lượng và định tính được sử dụng kết hợp để thu thập dữ liệu. Dữ liệu định lượng được thu thập từ thiết kế điều tra chọn mẫu một lần theo lát cắt ngang với công cụ nghiên cứu là bảng hỏi dành cho 212 chủ tàu thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Khánh Hòa. Dữ liệu định tính được thu thập với phương pháp chính là phỏng vấn sâu 28 thuyền viên (thuyền phó, thợ máy hoặc kỹ thuật viên) và 29 thành viên trong gia đình chủ tàu (vợ, con, anh, em, bố, mẹ), với mục đích cung cấp thêm những thông tin, giúp hiểu sâu hơn những vấn đề liên quan đến vấn đề bạn thuyền, những lo lắng của các thành viên trong gia đình...

Những biểu hiện về hành vi đánh bắt xa bờ của ngư dân được thể hiện qua 19 mệnh đề. Mỗi mệnh đề có 3 phương án trả lời và được gán cho các điểm tương ứng: hầu như không phải vậy (ứng với 1 điểm), một phần là như vậy (2 điểm), đúng như vậy (3 điểm). Khi tính độ tin cậy và điểm trung bình của thang đo, những mệnh đề ngược hướng đã được đổi điểm. Ví dụ, với câu “Tôi luôn phải nói dối khi ai đó hỏi tôi làm nghề gì”, chúng tôi quy ước điểm và đổi điểm để có những câu cùng hướng với những câu như là: “Chúng tôi xây dựng mối quan hệ tốt với tàu bạn, tàu dịch vụ để hỗ trợ nhau nhằm làm ăn. Như vậy, ĐTB của thang đo càng cao, các biểu hiện về hành vi đánh bắt xa bờ của ngư dân càng tích cực: càng thể hiện hành vi trách nhiệm với nghề, càng tự hào về nghề và càng có tâm thế muốn phát triển nghề đánh bắt xa bờ.

Kết quả chung cho thấy, người dân có những quan tâm, chú trọng đến hành vi đánh bắt xa bờ. Thang điểm đánh giá với 15 biểu hiện dao động từ ĐTB thấp nhất = 1,94 (với ý nghĩa là không biểu hiện rõ hành vi đánh bắt xa bờ được xây dựng) đến ĐTB cao nhất = 3 (bộc lộ rõ những biểu hiện hành vi đánh bắt xa bờ mà nhóm nghiên cứu tìm hiểu). Khoảng điểm trung bình này chiếm toàn bộ miền đo của thang điểm về hành vi đánh bắt xa bờ đã được xây dựng. Trong những biểu hiện của hành vi đánh bắt xa bờ, hành vi trách nhiệm nghề được người dân thể hiện cao nhất (ĐTB = 2,84), tiếp theo là sự tự hào nghề (ĐTB =2,81) và cuối cùng là hành vi thể hiện tâm thế muốn phát triển nghề ở những ngư dân này (ĐTB = 2,53). Những phân tích dưới đây sẽ cho thấy rõ hơn một số biểu hiện của ba dạng hành vi trên.

Hành vi thể hiện trách nhiệm với nghề

Việt Nam không chỉ là quốc gia nông nghiệp mà còn là một quốc gia biển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, đánh bắt xa bờ là một trong nhiều hoạt động liên quan đến kinh tế, chính trị được Nhà nước quan tâm, đầu tư. Nhiều chính sách được ban hành giúp ngư dân tăng thêm thu nhập gia đình, cũng như tăng giá trị kinh tế quốc gia, đồng thời, khẳng định chủ quyền biển đảo với các nước trong khu vực. Nhận thức được điều này, ngư dân biển đã thể hiện trách nhiệm với chính nghề đã nuôi sống gia đình mình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hai khía cạnh được bộc lộ rõ nét khi ngư dân thể hiện trách nhiệm của họ đối với nghề, đó là sự nỗ lực, chăm chỉ tìm hiểu về nghề, học hỏi những phương thức mới trong hoạt động nghề và tính tích cực trong việc bảo vệ bờ biển, chủ quyền biển đảo. Cụ thể, khi tham gia đánh bắt xa bờ, hầu hết người dân chăm chỉ tìm hiểu cách đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm (hải sản), cũng như xây dựng tốt mối quan hệ với bạn thuyền, tàu bạn. Nhìn lại quá khứ, trước đây, hầu như ngư dân địa phương chủ yếu duy trì cuộc sống bằng hoạt động đánh bắt gần bờ và trung bờ. Người dân được biết đến khái niệm đánh bắt xa bờ từ sau năm 1997, đây là thời gian triển khai chương trình đánh bắt hải sản xa bờ. Đến năm 2014, sự ra đời của nghị định số 67 lần nữa mở ra cơ hội cho ngư dân bằng chương trình hỗ trợ lãi suất để đóng mới tàu thép với mục đích vừa làm kinh tế và vừa giữ chủ quyền biển đảo.

Trước đây, đánh bắt gần bờ, trung bờ có thể diễn ra trong ngày, sáng sớm đi, chiều tối về, những người tham gia đi biển chủ yếu là con, cháu, họ hàng trong gia đình. Ngày nay, ngư dân lênh đênh trên biển dài ngày hơn, có khi đến cả tháng để tìm luồng cá mới... Ngoài ra, tàu to, ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ cần đông hơn, số anh em trong gia đình không đủ, ngư dân cần phải tìm kiếm “bạn thuyền” bên ngoài gia đình. Có nhiều người lần đầu tiên gặp gỡ, qua trao đổi trở thành thuyền viên. Giữa biển khơi sóng lớn, việc xây dựng tốt mối quan hệ với tàu bạn, bạn thuyền trở nên cần thiết vì giờ đây, họ sẽ là những người đi cùng nhau trong suốt hành trình biển, tương trợ nhau trong lúc khó khăn, nguy hiểm.

Không chỉ dừng ở đó, trách nhiệm với nghề còn được ngư dân địa phương thể hiện qua những hành động bảo vệ bờ biển. Điều này được thể hiện qua việc ngư dân tích cực tìm hiểu các thông tin bảo vệ chủ quyền trên các phương tiện truyền thông, chủ động tham gia vào lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo, báo cáo với lực lượng an ninh trên biển nếu gặp tàu nước khác. Ngày nay, các phương tiện thông tin liên lạc như bộ đàm, điện thoại, ti vi, báo, đài giúp ích rất nhiều cho ngư dân trong việc cập nhật những thông tin liên quan đến hoạt động đánh bắt xa bờ. Người dân cho biết, qua ti vi, họ thể biết chuyện gì đang diễn ra ngoài biển để đợt tới đi biển, họ có thể tránh được vi phạm đó. Đặc biệt, trên các tàu đánh bắt xa bờ hiện nay, các chủ phương tiện được trang bị thiết bị dò, tìm “tàu lạ”, tàu chức năng của các nước khác để có thể báo lại cho cán bộ biên phòng. Chủ tàu cũng được giao nhiệm vụ khi họ ra xa, đó là gửi những tin nhắn về bờ, xác nhận về vị trí địa lý nơi tàu đang đứng, một cách để chứng minh, xác định đường biên giới biển Việt Nam.

Từ đời này qua đời khác, người dân vùng biển, dựa vào biển để mưu sinh. Hương vị mặn mòi của biển với sự chịu thương, chịu khó của ngư dân đã tạo nên nét đặc trưng của những con người gắn bó cuộc đời mình với sóng nước mênh mông. Những minh chứng trên lần nữa cho thấy, hình ảnh của người đi biển, với tính trách nhiệm trong nghề, sự nỗ lực, chăm chỉ, học hỏi, thực hiện những cam kết khi tham gia vào hoạt động đánh bắt xa bờ ở địa phương.

Tô Hạnh

------------------------------

* (Số liệu bài viết được trích từ ĐTCB 2017 - 2018: "Thái độ đối với hoạt động đánh bắt xa bờ của cư dân ven biển miền Trung" do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoa làm chủ nhiệm)