Nghiên cứu về bạo lực trong gia đình ở Việt Nam (Đỗ Thức và Hendra, 2010) cho thấy, tỷ lệ bạo lực trong gia đình ở Việt Nam là khá cao, 58% số người ít nhất trải nghiệm một trong ba dạng bạo lực trong đời và 27% số người trải nghiệm trong năm 2009. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bạo lực trong gia đình tương quan với các vấn đề sức khỏe tinh thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, cảm giác vô vọng, tổn thương sau sang chấn, có ý tưởng tự sát và toan tự sát (Astin và cộng sự, 1993; Krug và cộng sự, 2002; Tang, 1997).
Các nghiên cứu cũng cho thấy, nhận thức về vấn đề sức khỏe tinh thần của người Việt Nam còn rất hạn chế. Nhiều người Việt Nam không phân biệt được sự khác biệt giữa tâm lý và thể chất hay thực thể (Lin và Masude, 1983). Ngoài ra, người Việt Nam còn nhìn nhận nguyên nhân của bệnh tinh thần bắt nguồn từ cái gì đó siêu hình hay dị thường. Từ đó, người Việt Nam có thái độ tiêu cực về bệnh tinh thần. Gold (1992) lưu ý “vấn đề tâm thần bị người Việt Nam cho là một vết nhơ lớn - do đó khó có thể thảo luận những vấn đề này mà không đánh thức cảm giác xấu hổ” Chính vì vậy, họ thường không tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn. Kết quả nghiên cứu nhận thức của 248 phụ nữ bị bạo lực gia đình ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang) năm 2015 về sức khỏe tinh thần bằng phương pháp phỏng vấn sâu, điều tra bằng trắc nghiệm cho thấy nhận thức của phụ nữ bị bạo lực gia đình về sự khỏe mạnh về tinh thần là khá tốt, tuy nhiên còn nhiều hạn chế trong việc phân biệt các triệu chứng rối nhiễu tinh thần; cũng như có sự hạn chế trong hiểu biết của những người phụ nữ bị bạo lực gia đình về các nguyên nhân gây ra vấn đề sức khỏe tinh thần. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực gia đình nhận thức về tác hại của vấn đề sức khỏe tinh thần không lớn. Tuy nhận thức của phụ nữ về việc có thể cải thiện được các vấn đề về sức khỏe tinh thần là khá tốt, nhưng cũng còn một số đáng kể chưa nhận thức đúng về vấn đề này. Phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta có nhận thức tốt hơn so với người Ấn Độ và Cambodia, nhưng thấp hơn so với người Nhật và Úc.
Tài liệu tham khảo
1. Astin et. al. (1993). Posttraumatic stress disorders among battered women: Risk and resiliency factor. Violence and Victims. 8. P. 17 - 27.
2. Đỗ Thức và Hendra (2010). Kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ Việt Nam.
3. Krug E.G., Dahlberg L.L., Mercey J.A., Zwi A.B., Lozano R., (eds) (2002). World Report on Violence Chapter 4 Violence by Intimate Partners. World Health Organization: Geneva.
4. Lin K. and Masuda M. (1983). Bridging cultures: Southeast Asian efugees in America - Social work with Southeast Asian refugees. Los Angeles, CA: Asian American Community Mental Health Training Center.
5. Tang C. (1997). Psychological impact of wife abuse: experiences of Chinese women and their children. Journal of Interpersonal Violence. 12. P. 466 - 475.
Đỗ Ngọc Khanh