Trong phần đều của buổi tọa đàm, nhóm nghiên cứu đã trình bày cơ sở lý thuyết nghiên cứu khoa học dựa trên phần tổng quan các nghiên cứu trong nước và nước ngoài về lo âu thi cử, mô tả các khái niệm, cách thức đo lường lo âu thi cử, công cụ sử dụng để đo lường. Theo đó, nghiên cứu này sử dụng Thang đo Lo âu thi cử (Test Anxiety Scale) của các nhà tâm lý học Sarason được phát triển vào năm 1978. Thang đo này gồm 37 mệnh đề đo lường 1 nhân tố. Trong 37 mệnh đề, có 6 mệnh đề ngược nghĩa đã được nhóm nghiên cứu đổi điểm khi xử lý số liệu. Mỗi mệnh đề có hai phương án trả lời là 0 tương ứng với “Không phù hợp” và 1 tương ứng với “Phù hợp”. Với độ tin cậy và độ hiệu lực cao, thang đo này đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng đo lường lo âu thi cử trên những đối tượng đo lường khác nhau ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có sinh viên Việt Nam (nghiên cứu của tác giả Renlai Zhou và cộng sự, 2019). Trong nghiên cứu này, thang đo được sử dụng để đo lường mức độ lo âu thi cử của 147 học sinh trung học phổ thông tại 4 tỉnh/thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Bến Tre. Số liệu khảo sát được thu thập bằng hình thức trực tuyến thông qua việc sử dụng công cụ Google form. Phần mềm hỗ trợ xử lý số liệu là SPSS.
Kết quả nghiên cứu ban đầu đã được nhóm nghiên cứu trình bày trong phần 2 của buổi tọa đàm. Kết quả sau khi xử lý số liệu cho thấy thang đo có độ tin cậy cao (hệ số Alpha của Cronbach là 0, 82). Dựa trên điểm trung bình của thang đo, nhóm nghiên cứu chia mức độ lo âu thi cử của học sinh trung học phổ thông trong nghiên cứu này thành 4 mức: từ 12 điểm trở xuống được xem là không có lo âu; từ 13 đến 20 điểm được xem là lo âu trung bình; trên 21 điểm được xem là lo âu cao. Dựa trên cách chia này, kết quả sau khi xử lý số liệu cho thấy, mức độ lo âu thi cử của học sinh trung học phổ thông khá cao (điểm trung bình là 21,4 điểm, độ lệch chuẩn là 6,26), được trải đều ở cả ba mức độ, trong đó mức độ lo âu thi cử cao chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 57,1%), tiếp theo là mức lo âu thi cử trung bình (chiếm 34,7%), cuối cùng là mức không có lô âu thi cử (chiếm 8,2%). Khi so sánh với một số nghiên cứu ở nước ngoài, tỷ lệ lo âu thi cử của nghiên cứu này cao hơn nhiều. Ngoài ra, việc so sánh mức độ lo âu thi cử theo lát cắt các biến nhân khẩu – xã hội cụ thể trong nghiên cứu này cũng có sự khác biệt nhất đinh. Cụ thể, bằng việc sử dụng phép kiểm định One-Sample t-test, Independent-Samples T-Test, kết quả nghiên cứu chỉ ra rẳng, không có sự khác biệt về mức độ lo âu thi cử khi xét theo giới tính, khối lớp, nơi sinh sống của học sinh trung học phổ thông. Điều này có nghĩa là, dù học sinh là nam hay nữ, dù học lớp 10, 11 hay 12, dù sinh ra và lớn lên ở thành thị hay nông thôn đều gặp phải vấn đề lo âu thi cử. Tuy vẫn còn một số hạn chế trong việc sử dụng hình thức khảo sát trực tuyển như thông tin khách thể nghiên cứu còn khuyết, nghiên cứu chưa sử dụng phương pháp định tính để làm sâu vấn đề… nhưng những kết quả này phần nào góp phần làm phong phú them bức tranh nghiên cứu về lo âu thi cử ở nước ta. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng gợi mở cho các nhà nghiên cứu tâm lý học ứng dụng thang đo này trong các nghiên cứu về lo âu thi cử trong tương lai.
Buổi tọa đàm thu hút được sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu trong Viện Tâm lý học. Nhiều ý kiến trao đổi tranh luận, chia sẻ cũng được các cán bộ nghiên cứu tham dự đưa ra cho nhóm nghiên cứu về những đóng góp mang tính lý luận và thực tiễn của đề tài. Những ý kiến này đã gợi mở để nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích sâu hơn các nội dung của nghiên cứu.
Huyền Trang