Khách thể nghiên cứu
Để tìm hiểu thực trạng mức độ thực hiện các công việc trong gia đình của HSTHCS, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 656 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của bốn trường trung học cơ sở ở Hà Nội (Phan Đình Giót, Thịnh Quang) và Hưng Yên (Tân Lập, Liêu Xá)
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi được sử dụng để tìm hiểu thực trạng mức độ tham gia thực hiện các công việc trong gia đình của các em. Các số liệu thu được từ khảo sát thực tiễn được xử lý theo chương trình SPSS trong môi trường Window, phiên bản 12.0.
Có 4 mức độ để khách thể lựa chọn khi trả lời các câu hỏi. Các mức độ đó ứng với các mức điểm như sau:
“Chưa bao giờ”: 1 điểm
“Thỉnh thoảng”: 2 điểm
“Tương đối thường xuyên”: 3 điểm
“Rất thường xuyên”: 4 điểm
Như vậy, điểm càng cao thì mức độ thực hiện công việc càng cao. Điểm trung vị của thang đo là 2,5.
Kết quả nghiên cứu
Để tìm hiểu mức độ thực hiện các công việc trong gia đình của HSTHCS, chúng tôi tìm hiểu mức độ thực hiện các nhóm công việc đơn giản như: dọn nhà, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, chăm sóc em, chăm sóc người ốm; nhóm công việc phức tạp bao gồm: đi chợ, quán xuyến việc gia đình khi bố mẹ vắng nhà, bàn bạc việc gia đình với bố mẹ, được giao tiền để chi tiêu cho gia đình.
Kết quả khảo sát cho thấy rằng, điểm trung bình (ĐTB) toàn thang đo về thực trạng thực hiện các công việc trong gia đình là 2,33 với độ lệch chuẩn (ĐLC) là 0,47. Nhìn chung, HSTHCS hiện nay có tham gia các công việc gia đình nhưng mức độ thường xuyên chưa cao. Có thể do các em bận học, không có thời gian làm việc giúp bố mẹ; cũng có thể các gia đình hiện nay thường chỉ có một hoặc hai con nên các em được người lớn chiều chuộng, không hướng dẫn và không bắt các em làm gì; cũng có thể do các em ngại lao động, ỷ lại vào người lớn, chưa có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình…
Trong gia đình có rất nhiều công việc khác nhau, căn cứ vào tính chất của từng công việc, chúng tôi phân chia các công việc thành hai nhóm: nhóm các công việc đơn giản, diễn ra hàng ngày như : giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp, lau nhà cửa; nấu cơm; rửa bát; giặt quần áo; đi chợ; chăm sóc bố mẹ và các thành viên trong gia đình khi họ bị ốm; chăm sóc em hoặc cùng với anh chị làm việc nhà, ĐTB của nhóm này là 2,69 với ĐLC là 0,57. Nhóm những công việc phức tạp đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, khả năng độc lập, tự quyết định, biết tính toán như: đi chợ mua thức ăn; trông coi, quán xuyến công việc gia đình khi bố mẹ vắng nhà; tự sắp xếp một số công việc trong gia đình thay bố mẹ; tự quyết định việc chi tiêu khi bố mẹ vắng nhà; được bàn bạc với bố mẹ về những việc chung trong gia đình, ĐTB của nhóm này thấp hơn hẳn so với nhóm công việc đơn giản ( ĐTB = 1,90 < 2,69; ĐLC = 0,52).
Trong nhóm công việc đơn giản, cũng có những công việc các em làm thường xuyên hơn, nhưng cũng có những công việc các em ít thực hiện. Xét cụ thể từng công việc trong nhóm này, chúng tôi thấy, HSTHCS hiện nay rửa bát sau khi ăn thường xuyên nhất nhưng lại có sự khác nhau nhiều nhất về mức độ tham gia của các em (ĐTB = 2,97; ĐLC = 0,99). Cụ thể có 41,2% các em trả lời là rất thường xuyên rửa bát sau khi ăn, 21,5% các em trả lời là tương đối thường xuyên, nhưng lại có đến 30,3% các em trả lời là thỉnh thoảng làm công việc đó, và 7,0% các em không bao giờ làm.
Giúp bố mẹ làm các công việc như dọn dẹp nhà, lau nhà, đổ rác, quét sân vườn, tưới cây…là công việc được các em làm thường xuyên, nhưng không thường xuyên bằng công việc trên (ĐTB = 2,88; ĐLC = 0,79). Nếu xét tỉ lệ mức độ thực hiện công việc thì chỉ có 24,9% các em được hỏi trả lời rất thường xuyên làm công việc này trong gia đình. Có 38,4% các em được hỏi trả lời là tương đối thường xuyên. Nhưng cũng có đến 35,7% các em trả lời rằng chỉ thỉnh thoảng mới làm, và chỉ có 0,9% các em không bao giờ làm công việc trên.
Tự nấu cơm cũng là công việc được nhiều em thường xuyên làm ( ĐTB = 2,80; ĐLC = 0,98). Trong số các em được hỏi có 31,6% trả lời rằng mình rất thường xuyên nấu cơm giúp bố mẹ tức là các em coi việc nấu cơm là do các em phụ trách. Có 24,1% các em trả lời tương đối thường xuyên; 36,5% chỉ thỉnh thoảng mới làm và 7,8% các em không bao giờ làm công việc này.
Trong nhóm công việc đơn giản thì giặt quần áo là công việc các em thực hiện không thường xuyên nhất (ĐTB: 2,3; ĐLC = 0,92), chăm sóc người trong gia đình bị ốm là công việc các em thực hiện không nhiều ( ĐTB: 2,52; ĐLC = 0,87).
Phân tích kết quả khảo sát ở trên cho thấy, đối với những công việc cụ thể, đơn giản, có tính chất xảy ra hàng ngày và không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi gia đình thì các em đều thực hiện nhưng phần lớn chỉ thỉnh thoảng làm hoặc làm ở mức tương đối thường xuyên, tỉ lệ các em làm ở mức thường xuyên không cao.
Một số kết quả nghiên cứu trước đây như nghiên cứu của Ngô Đặng Minh Hằng trên 150 thiếu niên gái học lớp 7, 8, 9 cho thấy: 96% số thiếu niên này cho rằng mình đã khoẻ, đủ sức làm được những việc lao động chân tay bình thường [4,tr 121- 122]; hay như kết quả nghiên cứu của tập thể tác giả PGS Phạm Hoàng Gia, TS Nguyễn Huy Tú, Đỗ Hồng Anh, Ngô Đặng Minh Hằng trên học sinh lớp 6 về “ Các hoạt động ngoài giờ và sự hình thành nhân cách của HSTHCS” cho thấy 85-90% các em được hỏi trả lời rằng giúp việc gia đình được các em tham gia nhiều nhất trong số những hoạt động ngoài giờ mà các em đã thực hiện[3, tr 245]. Điều đó chứng tỏ rằng, tuy các em đã lớn, đã có khả năng làm được những công việc lao động đơn giản trong gia đình, các em có thể thay thế bố mẹ và người lớn đảm nhận trách nhiệm thực hiện những công việc đó, nhưng trên thực tế các em chưa phát huy được hết khả năng của mình. Phải chăng các em chưa được bố mẹ tin tưởng giao toàn bộ những công việc đó để đảm nhiệm, cũng không loại trừ có nhiều em tuy đã lớn nhưng bố mẹ vẫn coi như các em còn bé, không bắt các em phải làm bất cứ công việc gì ngoài việc học tập.
Đối với những công việc phức tạp hơn thì mức độ tham gia thực hiện công việc của các em rất thấp (ĐTB: 1,90; ĐLC: 0,52). Chẳng hạn như có rất nhiều em chưa bao giờ được mẹ giao tiền sinh hoạt để tự chi tiêu (ĐTB = 1,38; ĐLC = 0,68). Cụ thể, có đến 70,4% học sinh được hỏi trả lời rằng chưa bao giờ làm công việc này, 23,2% học sinh trả lời là thỉnh thoảng mới được mẹ giao tiền cho chi tiêu, tỉ lệ học sinh thực hiện công việc này tương đối thường xuyên và rất thường xuyên đạt mức rất thấp và lần lượt là 4,0% và 2,5%.
Các em rất hiếm khi được bàn bạc với bố mẹ về những việc chung trong gia đình (ĐTB: 1,79 với ĐLC: 0,85). Trong công việc này thì tỉ lệ các em được hỏi trả lời là chưa bao giờ được tham gia hay chỉ thỉnh thoảng được tham gia bàn bạc với bố mẹ gần như ngang nhau, chúng lần lượt là 42,4% và 41,6%. Chỉ có 5,8% số học sinh được hỏi cho rằng mình thường xuyên được bàn bạc với bố mẹ, 10,1% số học sinh được hỏi cho rằng tương đối thường xuyên được tham gia bàn bạc cùng bố mẹ về những việc chung trong gia đình.
Công việc đi chợ mua thức ăn cũng rất ít các em thực hiện thường xuyên ( ĐTB = 1,91 với ĐLC = 0,77). Với công việc này, có hơn nửa số học sinh trả lời là thỉnh thoảng có đi chợ để mua đồ cho gia đình (55,5%), nhưng cũng có đến 29,1% số học sinh được hỏi cho rằng chưa bao giờ làm việc này. Chỉ có 4,9% số học sinh được hỏi là thực hiện thường xuyên, và 10,3% số học sinh được hỏi thực hiện tương đối thường xuyên.
Như vậy, với những công việc lao động đơn giản diễn ra hàng ngày trong gia đình thì các em thực hiện thường xuyên hơn những công việc phức tạp đòi hỏi phải tính toán, phải suy nghĩ, phải tự quyết định khi thực hiện chúng.
Để thấy rõ hơn sự thể hiện vai trò cũng như trách nhiệm của các em trong gia đình, kết quả khảo sát cho thấy các em tự giác thực hiện nhiều nhất ở những công việc như dọn nhà cửa, đổ rác, quét sân; nấu cơm; rửa bát; giặt quần áo (các tỉ lệ lần lượt là 84,4%; 61,6%; 57,8%; 38,4%). Còn các công việc khác thì số các em tự giác làm là không đáng kể. Trong số các em tự giác làm những công việc đó, có 42,0% các em thực hiện những việc đó một cách thường xuyên, ngày nào cũng làm vì cảm thấy mình đã lớn và có trách nhiệm phải giúp đỡ gia đình; 36,8% các em tự giác làm những việc đó khi không có ai ở nhà, bố mẹ đi làm, anh chị đi vắng; 26,2% các em lại làm những công việc nhà khi đã học xong bài hoặc lúc rảnh rỗi không phải đi học. Tuy nhiên, cũng có những em cho rằng mình chỉ tự giác làm khi bố mẹ bị ốm, khi thấy nhà cửa quá bẩn mà không ai dọn, hoặc khi có niềm vui nào đó, khi thấy thương mẹ phải làm việc quá nhiều.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều em chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong gia đình, các em chỉ thực hiện công việc khi có sự nhắc nhở của người lớn. Những công việc được nhắc nhở các em mới làm như dọn nhà; giặt quần áo; đi chợ; nấu cơm; rửa bát lần lượt có tỉ lệ là 43,2%; 30,8%; 27,0%; 22,4%; 18,2%. Cũng có những công việc có lúc thì các em tự giác, có lúc thì cũng phải nhắc nhở các em mới làm.
Tóm lại, qua sự phân tích ở trên chúng ta thấy rằng, HSTHCS hiện nay tham gia những công việc trong gia đình ở mức trung bình, những công việc có tính chất lao động chân tay, dễ làm như lau nhà, đổ rác, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo có số lượng lớn các em thực hiện, và các em thực hiện nó một cách tự giác cũng chiếm tỉ lệ khá cao. Còn đối với những công việc đòi hỏi các em phải biết tính toán, phải suy nghĩ, cân nhắc trước khi thực hiện công việc, hay đòi hỏi khả năng quán xuyến công việc giống như người lớn, ví dụ: tự chi tiêu cho gia đình khi được mẹ giao tiền, tự tính toán đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà, hoặc tham gia bàn bạc với bố mẹ một số công việc chung của gia đình thì mức độ tham gia thực hiện công việc của các em rất thấp, và thực hiện khi có sự nhắc nhở, hay phân công cụ thể của bố mẹ.
Tài liệu tham khảo
1. A.V. Petrovxki (chủ biên). Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm. NXB Giáo dục – 1982. Tập 1, trang 135-137. Người dịch: Đặng Xuân Hoài.
2. Vũ Dũng. Tâm lý tuổi vị thành niên. Tạp chí Tâm lý học 4/1998, tr 21.
3. Phạm Minh Hạc, Đặng Xuân Hoài, Trần Trọng Thuỷ (đồng chủ biên). Hoạt động, giao tiếp và chất lượng giáo dục. NXB ĐHQG Hà Nội – 2002, tr 245.
4. Mạc Văn Trang. Cha mẹ và con trẻ. NXB Phụ nữ, 2006, tr 121-122.
Vũ Quỳnh Châu