Đặc điểm tâm lý của cá nhân trong đám đông � cái nhìn sơ lược

09/12/2010

(Tamly) – Đứng riêng tách biệt, cá nhân là một con người có văn hóa, nhưng khi nằm trong đám đông, anh ta có thể trở thành một kẻ dễ bị kích động, một kẻ hành động theo bản năng. Sự tự phát, thói bạo lực, tính hung dữ, và có cả lòng nhiệt tình, sự anh dũng của người nguyên thủy trở thành thứ chỉ đạo hành động của cá nhân.
Trước khi bàn về đặc điểm của tâm lý của cá nhân trong đám đông, xin được nhấn mạnh rằng, đám đông được bàn tới là đám đông có tổ chức, mặc dù sự tham gia của cá nhân lúc ban đầu có thể có chủ đích hoặc không.

Mỗi cá nhân riêng lẻ đều có những đặc điểm tâm lý đặc trưng, nhưng khi họ tham gia vào đám đông họ sẽ thể hiện dưới một hình ảnh có thể khác xa với bản thân. Khi ở trong đám đông họ chịu sự tác động của những đặc điểm tâm lý của đám đông đó – mà họ vừa là thành viên tạo lập nên những đặc điểm tâm lý, vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng. Vậy có phải tâm lý đám đông là tổng các đặc điểm tâm lý của các cá nhân riêng lẻ khi tham gia vào đám đông?

Có thể ngay từ đầu, cá nhân độc lập với tâm lý đám đông, nhưng khi họ tham gia vào đám đông thì dần dần có thứ tâm hồn “tập thể” lớn dần lên trong họ, chính nó làm cho họ suy nghĩ và hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách một cá nhân riêng lẻ vẫn cảm nhận và suy nghĩ. Theo nhà triết học phương Tây, Herbert Spencer “trong một quần tụ hợp thành một đám đông, không hề có tổng số và trung bình cộng của các thành tố mà chỉ có sự tổ hợp và sự tạo ra những tính cách mới”. Giống như trong hóa học, một số yếu tố đối lập nhau, ví dụ ba-zơ hay axit, kết hợp với nhau để tạo thành một chất mới có những đặc tính hoàn toàn khác cái chất nó được dùng để làm ra nó.

Nói về sự hình thành những đặc điểm tâm lý mới của cá nhân khi tham gia vào đám đông, nhà tâm lý học được xem là chuyên gia nghiên cứu về đám đông, Gustave LeBon đã nhận xét rằng “Ta dễ dàng nhận thấy cá nhân nằm trong đám đông khác với cá nhân riêng lẻ đến mức nào nhưng thật chẳng dễ để tìm ra những nguyên nhân của sự khác biệt ấy”. Ông đứng trên quan điểm phân tâm học của Freud, lấy quy luật hình thành và chi phối của vô thức trong đời sống tâm lý của cá nhân để giải thích cho câu hỏi khó này. Theo ông, những yếu tố vô thức hình thành nên tâm hồn của một chủng tộc là những yếu tố hàng đầu làm cho mọi cá nhân trong chủng tộc giống nhau, còn chính những yếu tố ý thức được hình thành qua giáo dục và xã hội hóa làm cho các cá nhân khác nhau.

Vậy nguyên nhân nào làm cho các cá nhân trong đám đông lại có tính cách tương đồng nhau? Đây thực chất là câu hỏi lớn và khó trả lời. Tuy nhiên, bước đầu có thể xác định một số nguyên nhân sau đây được xem là căn nguyên của sự xuất hiện tính cách trong đám đông. Nguyên nhân thứ nhất là, mọi cá nhân khi tham gia vào đám đông đều ý thức được sức mạnh của vô thức, mà trước đó khi chưa ở trong đám đông họ thường phải kìm nén. Điều này đặc biệt mạnh mẽ khi đám đông đó là đám đông vô danh. Tính trách nhiệm bị thay thế bởi tính vô trách nhiệm, ý thức về trách nhiệm bị biến mất, khi đó cá nhân được “giải phóng” hoàn toàn. Trong đám đông, các cá nhân thường có xu hướng hành động giống nhau, điều này chịu tác động rất mạnh của quy luật lây lan, đây được coi là nguyên nhân thứ hai ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách trong đám đông. Cùng quan điểm này, Gustave LeBon cũng cho rằng: “trong một đám đông, mọi tình cảm, mọi hành động đều có tính lây nhiễm, lây nhiễm đến mức cá nhân sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của tập thể. Đó là một khả năng rất trái ngược với bản tính cá nhân, mà con người hầu như chỉ có thể làm được khi nó là bộ phận của một đám đông.” Hệ quả của sự lây lan tâm lý là cá nhân rất dễ bị thuyết phục, phục tùng khi ở trong đám đông. Cá nhân lúc này dễ bị thôi miên, họ hành động theo gợi ý một cách hào hứng vô điều kiện. Đây được xem là nguyên nhân thứ ba cho sự hình thành tính cách đám đông.

Có thể thấy rằng, việc biến mất của nhân cách có ý thức, cùng với sự vượt trội của nhân cách vô thức, sự định hướng những tình cảm và tư tưởng theo cùng một chiều qua con đường gợi ý và lây lan, xu hướng biến gợi ý thành hành động trở thành đặc tính chủ yếu của cá nhân nằm trong nhóm. Cá nhân không còn là mình nữa, anh ta trở thành một thứ tựa như người máy, không được ý chí chỉ đạo.

Vì vậy, đứng riêng tách biệt cá nhân là một con người có văn hóa, nhưng khi nằm trong đám đông, anh ta có thể trở thành một kẻ dễ bị kích động, một kẻ hành động theo bản năng. Sự tự phát, thói bạo lực, tính hung dữ, và có cả lòng nhiệt tình sự anh dũng của người nguyên thủy trở thành thứ chỉ đạo hành động của cá nhân. Như Gustave LeBon đã viết: “cá nhân nằm trong đám đông là một hạt cát giữa vô vàn hạt cát khác mà gió sẽ bốc lên tùy thích”.

 
Lâm Bình