Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm trí thức. Một cách chung nhất, có thể phân ra hai nhóm quan điểm. Nhóm quan điểm thứ nhất xác định nội hàm khái niệm trí thức, chủ yếu đựa trên tính chất đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Những người thuộc nhóm quan điểm thứ hai, bên cạnh việc nêu đặc trưng của hoạt động nghề nghiệp, đã nhấn mạnh đến thái độ, đến phạm vi quan tâm của những người được xem là trí thức. Tựu chung lại, họ đặc biệt nhấn mạnh những nét đặc trưng nhân cách của những người lao động trí óc và để xác định xem ai xứng đáng được xem là trí thức thì không chỉ dựa vào các đặc thù lao động trí óc của họ, mà còn phải dựa vào nhân cách của họ. Quan điểm chú trọng đến khía cạnh nhân cách như một tiêu chí xác định trí thức xuất phát chủ yếu từ cách nhìn nhận cho rằng, xét về mặt tri thức thì tầng lớp trí thức là tầng lớp có trình độ tri thức cao nhất so với các tầng lớp khác trong xã hội. Vì lẽ đó, họ phải là những người có nhân cách, có văn hoá.
Sự phân tách tầng lớp trí thức trong xã hội, về thực chất là một sự phân tách theo nhóm xã hội nghề nghiệp. Như vậy, để xác định xem một cá nhân cụ thể có phải là trí thức hay không, trước hết phải dựa vào đặc thù hoạt động nghề nghiệp của người đó. Điểm khác biệt rõ nhất của lao động nghề nghiệp của trí thức (so với các loại nghề nghiệp khác trong xã hội) thể hiện ở chỗ lao động nghề nghiệp của trí thức chủ yếu là lao động trí óc, nhưng là loại lao động trí óc đặc biệt đòi hỏi cao về khả năng tư duy độc lập và tính sáng tạo để có thể tạo ra các giá trị vật chất và/hoặc tinh thần cho xã hội. Cũng chính vì điểm khác biệt này mà trí thức cần phải có trình độ chuyên môn cao (một cách tương đối, tuỳ vào trình độ phát triển của mỗi giai đoạn lịch sử).
Việc một người lao động trong một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể nhất định làm việc hiệu quả đến đâu, có đóng góp cho xã hội như thế nào lại phụ thuộc vào những phẩm chất nhân cách và năng lực của họ (bao gồm cả những phẩm chất và năng lực rất cần thiết cho lĩnh vực nghề nghiệp đó và cả những phẩm chất và năng lực của một con người với tư cách là một công dân trong xã hội, một cá nhân trong cộng đồng nhân loại). Điều này chung cho tất cả những người làm trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Với vai trò và chức năng xã hội của tầng lớp trí thức thì những phẩm chất nhân cách của trí thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là khi những phẩm chất nhất định nào đó được xem là có tính chất chung cho cả một tầng lớp trí thức của xã hội thì chúng còn có những tác động mạnh mẽ đến định hướng phát triển của cả một dân tộc. (Có lẽ do sức mạnh này mà nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến những phẩm chất nhân cách của trí thức và coi đó là tiêu chí xác định Người trí thức). Như vậy, những phẩm chất nhân cách được xem là điều kiện quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động nghề của người lao động. Với tầng lớp trí thức thì chúng sẽ quy định một người cụ thể có là trí thức chân chính, có chất lượng hay không. Nói cách khác, các phẩm chất nhân cách của tầng lớp trí thức sẽ cho thấy chất lượng của tầng lớp đó trong mỗi giai đoạn phát triển lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia.
Với cách nhìn nhận như vậy, thì việc xác định một cá nhân nào đó có là trí thức hay không chỉ nên dựa vào đặc thù hoạt động nghề nghiệp của họ. Đó là những người chủ yếu "lao động bằng trí óc, phương thức lao động là tư duy, đối tượng và sản phẩm lao động là tri thức" (Đặng Hùng Võ). Ngoài ra, với trình độ phát triển hiện nay của xã hội, thì để có thể thực hiện được các chức năng xã hội của tầng lớp mình, trí thức cần có trình độ chuyên môn cao, ít nhất là từ trình độ đại học trở lên.
Lê Hương