Chất xám được hiểu là những hoạt động trí óc. Nó không chỉ có ở đội ngũ những nhà khoa học, có học hàm, học vị, được đào tạo bài bản thông qua trường lớp, mà chất xám còn được kể đến cả ở những nhà quản lý, lãnh đạo, những người lính, những người nông dân, những người công nhân đang ngày đêm sản xuất, chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước... (Quan niệm của Tô Bửu Giám, 1997).
Chất xám cũng có thể được hiểu là toàn bộ những lao động trí óc mang tính sáng tạo của đội ngũ trí thức như: lao động quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp, lao động trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và công nghệ...(Quan niệm của Ban nghiên cứu Dự báo Chiến lược và Quản lý khoa học, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia).
Chất xám còn được hiểu là những tri thức về các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, khoa học công nghệ chứ không phải là chính bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, khoa học và công nghệ (Quan điểm của Nguyễn Văn Hiệu, 1998).
Cho dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, cũng cho thấy chất xám là những hoạt động mang tính trí tuệ, được tích luỹ qua cuộc sống, qua hoạt động và qua giáo dục đào tạo.
Chất xám được thể hiện ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nguồn tài nguyên vô giá của mỗi quốc gia. Nếu biết khai thác và sử dụng thì hiệu quả kinh tế của nó sẽ vô cùng to lớn. Ngược lại, nếu không biết cách gìn giữ và phát huy thì tài nguyên này sẽ mất đi và rất khó lấy lại được.
LTT